QUÁ TRÌNH 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN TỈNH PHÚ YÊN

01/12/2016

T.T.Ư.T. BS. Lê Bá Thính
Giám đốc bệnh viện YHCT Phú Yên

Y học cổ truyền Việt Nam có truyền thống từ lâu đời, đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trải qua nhiều thời kỳ, nền YHCT ngày càng được phát triển, không những được nhân dân lưu giữ và phát huy, mà  đặc biệt là được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc thừa kế, phát huy và phát triển nền y dược học cổ truyền phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.

ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN BỆNH VIỆN:

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Phú Yên cùng với cả nước bước vào giai đoạn ổn định phát triển kinh tế xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành y tế Phú yên đã triển khai các nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Xuất phát từ quan điểm của Đảng, ngành y tế đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về xây dựng mạng lưới y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở. Đây là bước ngoặt cho sự ra đời bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh nhà.

 Bệnh viện Đông y tỉnh Phú Yên (nay là bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú yên) được thành lập theo quyết định số 366/QĐ/UB, ngày 15/10/1975 của UBND tỉnh Phú Yên do ông Nguyễn Như Ái, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký với chức năng của bệnh viện là:

+ Khai thác, thừa kế các kinh nghiệm chữa bệnh bằng Đông y, để nghiên cứu, chọn lọc, đúc kết, nâng cao đưa vào điều trị, phục vụ sức khỏe cho cán bộ, nhân dân, góp phần xây dựng nền y học tỉnh nhà.

+ Nghiên cứu, sử dụng các loại cây thuốc có ở địa phương, đúc kết kinh nghiệm những bài thuốc hay, cây thuốc quý để phổ biến rộng rãi cho các cơ sở điều trị trong ngành nhằm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh.

+ Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chuyên môn, chỉ đạo tuyến trước, tuyên truyền vận động và sử dụng thuốc nam, châm cứu cho các cơ sở.

Ngày 3 tháng 11năm 1975 Bộ Chính trị có Nghị quyết số 254/NQ-TW, hợp nhất 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, nên bệnh viện Đông y tỉnh Phú Yên trở thành bệnh viện Đông y tỉnh Phú Khánh cho đến ngày 01 tháng 7 năm 1989 khi hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa chính thức hoạt động theo quyết định số 83/BCT, ngày 01/3/1989 của Bộ chính trị về việc tách tỉnh Phú Khánh ra thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Sau ngày tỉnh tái lập, Bệnh viện tiếp tục thuộc tỉnh Phú Yên.

Qua 40 năm, bệnh viện đã có 5 lần đổi tên, tên mới thành lập là Bệnh viện Đông y, tiếp sau đó đổi qua các tên Bệnh viện Y dược học dân tộc – Bệnh viện Đông y – Bệnh viện Y học dân tộc – nay là Bệnh viện Y học cổ truyền.

Từ khi thành lập, bệnh viện phát triển qua những giai đoạn như sau:

I- Giai đoạn từ khi thành lập (tháng 10/1975) đến 1985:

 Khi mới đi vào hoạt động bệnh viện gặp phải một số khó khăn ban đầu : 

- Cơ sở ban  đầu của bệnh viện là tiếp quản từ một cô nhi viện tư nhân, địa điểm 06 Nguyễn Huệ, Thị xã Tuy Hoà, xây dựng trên một khu đất chật hẹp chưa đầy 1.500m2, kiến trúc không phù hợp với một Bệnh viện, nên tận dụng chỉ thực kê được 30 giường bệnh. Các cơ sở như phòng khám, nơi làm thuốc, làm việc, nhà bếp, nhà ăn, các công trình vệ sinh,… đều phải xây dựng mới.

- Trang thiết bị bên trong ban đầu chưa có, phải tự túc hoàn toàn, còn thuốc nam để điều trị cho bệnh nhân nội, ngoại trú đều phải tự thu hái tại địa phương .

- Công tác YHCT đòi hỏi phải có cán bộ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm tổ chức cả y và dược. Khi mới thành lập, bệnh viện chỉ có 11 cán bộ nhân viên, chưa có nhà thuốc quốc doanh cung cấp dược liệu, hơn nữa 1 số cán bộ và nhân dân còn hoài nghi khả năng điều trị của đông y, nhân dân còn quen dùng các loại thuốc tây hơn thuốc bắc.

- Trước đó chưa có mô hình xây dựng và phát triển cụ thể của 1 bệnh viện Đông y ở miền Nam ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và nhất là cho 1 bệnh viện sử dụng ≥ 95% thuốc  nam vào điều trị. 

Chính vì vậy, bệnh viện phải vừa triển khai hoạt động vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục định hướng phát triển bệnh viện. Với sự nhiệt tình, yêu ngành, yêu nghề của tập thể cán bộ nhân viên trên tinh thần tự lực, tự cường, bệnh viện đã đề ra phương châm : “Lúc đầu có thể thiếu thầy giỏi, thuốc hay. Nhưng quyết không để thiếu tình thương và trách nhiệm”.

Ngày 9/01/1976 bệnh viện được giao thêm ngôi nhà số 24 đường Nguyễn Huệ với diện tích 866m2, diện tích sử dụng 516m2 phải  cải tạo để sử dụng. Lúc này Bệnh viện có 16 CBCNV, tiến hành lập vườn thuốc nam, sơn sửa giường bệnh, làm hệ thống điện, nước, quét vôi, xây cổng bệnh viện.

 Tháng 4/ 1976 Bệnh viện có 20 CBVC và bắt đầu thu dung bệnh nhân điều trị,  sưu tầm bào chế 1 số thuốc nam phục vụ bệnh nhân, tổ chức vận động ủng hộ các dụng cụ phục vụ cho việc sản xuất thuốc: 1 cân tiểu ly, 01 cối đồng tán thuốc, 01 dao cầu xắt thuốc, 01 bào thuốc, 01 thuyền tán.

Đến năm 1980 Bệnh viện có 51 CBCNV và tăng dần đến năm 1985 có 57 CBCNV.

Trong giai đoạn này bệnh viện đã đạt được những kết quả sau:

1- Công tác khám chữa bệnh :

Bệnh viện có khoa khám và 03 khoa điều trị nội trú (Khoa Nội nhi, khoa Ngoại phụ và khoa Châm cứu). Với tổng số giường điều trị nội trú là 30 giường (năm 1976 – 1977), 50 giường (năm 1978 – 1980), từ năm 1980 về sau tăng lên 100 giường. 

Số lần khám bệnh tăng lên hàng năm, năm 1976 có 2.538 lần khám bệnh/năm, đến năm 1985 tăng lên 20.000 lần khám bệnh/năm .

- Số bệnh nhân được thu dung điều trị ngoại trú và nội trú hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Năm 1983 – 1985, số bệnh nhân điều trị ngoại trú là 2.437 bệnh nhân, đạt 163%; Bệnh nhân điều trị nội trú đạt 107%.

- Số  tiêu bản xét nghiệm:

- Năm 1978 – 1980: đạt 100%.

- Năm 1981 – 1985: đạt 125%.

2- Công tác Dược:

Tự thu mua và sưu tầm dược liệu, có cả những loại quí như xương hổ, gạc nai, nhung, mật ong. 

Ban đầu chưa có khoa dược mà chỉ là một bộ phận nhỏ, sản xuất đơn giản bằng thúng lắc, vò viên, bàn lăn viên… Từ năm 1980 trang thiết bị sản xuất dược tăng thêm như: máy xay thuốc, máy thái thuốc, máy dập viên, máy quết tể, nồi bao viên…có phòng sơ chế, bào chế các dạng thuốc, bước đầu đã giải quyết và đáp ứng được nhu cầu cung cấp thuốc cho điều trị nội trú, ngoại trú, phòng khám và tuyến trước với số lượng và chất lượng nâng cao dần.

Bệnh viện đã tự sản xuất gần 30 mặt hàng với nhiều dạng thuốc khác nhau như thuốc thang, trà thuốc, rượu thuốc, siro, viên hoàn, bột tán,…đưa vào điều trị với tỷ lệ sử dụng thuốc do bệnh viện tự sản xuất là 85%.

Qua kiểm nghiệm của bộ phận kiểm nghiệm thuộc Sở y tế Phú Khánh trên 95% thành phẩm bệnh viện sản xuất đạt loại A và nhiều lần được dự triển lãm Hội chợ tỉnh.

3- Công tác thừa kế:

Thừa kế là một trong những công tác trọng tâm, bệnh viện vừa xây dựng bài thuốc, sản xuất và áp dụng điều trị rút kinh nghiệm trong chữa bệnh (như viên hoàn kiện tỳ, viên dạ dày, bình vị, các dạng trà: phong thấp để chữa đau nhức, mao thông để lợi tiểu, dưỡng thần chữa mất ngủ, các dạng bột, sirô để chữa dị ứng, các bệnh phụ khoa…) đã đem lại hiệu quả, bệnh nhân tin dùng. Song song với những bài thuốc được bệnh viện đúc kết có hiệu quả trong điều trị. Bệnh viện còn mời nhiều lương y bên ngoài và những người có bài thuốc hay, gia truyền về bệnh viện để thừa kế chữa bệnh và làm thuốc như: cách làm men từ dược liệu để sản xuất thuốc, chữa dị ứng, nắn bấm huyệt chữa bệnh, trị khớp bằng thuốc dán, thuốc chữa cao huyết áp, thuốc điều trị phụ khoa…có hiệu quả nhất định.

4- Công tác tuyến trước:

Đây là 1 trong những chức năng chính của bệnh viện chuyên khoa, nhiều cán bộ của bệnh viện được cử về các xã, phường, nông trường, trường học, các hợp tác xã,… để khám và cấp phát thuốc cho nhân dân, cán bộ. Phối hợp với các phòng y tế, các trạm y tế địa phương tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam (như Hòa Kiến, Bình Ngọc, Hòa An, Hòa Hiệp, Sơn Thành và các xã phường trong thị xã) góp phần chung vào phong trào 5 đứt điểm của ngành. Bệnh viện còn cử đoàn về nắm tình hình và giúp xây dựng khoa Y học dân tộc các bệnh viện huyện như Tuy An, Sơn Hòa, Sông Cầu, Tuy Hòa, nông trường Sơn Thành, khoa YHDT bệnh viện Bắc Phú Khánh để triển khai chữa bệnh với những kết quả mà bệnh viện đã thừa kế áp dụng điều trị có hiệu quả .

5- Công tác đào tạo, bồi dưỡng:

Đã xây dựng đội ngũ chuyên môn biết kết hợp hài hòa giữa YHHĐ với YHCT dân tộc trong chẩn đoán và chữa bệnh.

Bệnh viện đã gửi đi bồi dưỡng và đào tạo ở các tỉnh bạn (Vĩnh Phú, TP. Hồ Chí Minh,…) 20 cán bộ chuyên môn và 12 cán bộ được bồi dưỡng về lý luận sơ, trung cấp chính trị, song song công tác gửi đi đào tạo, còn tổ chức mở lớp tại chỗ cho đội ngũ cán bộ y, dược của bệnh viện để nâng cao lý luận và tay nghề.

Bệnh viện cũng đã liên tục mở lớp bồi dưỡng về thuốc nam – châm cứu cho các cơ sở điều trị tổng số 329 cán bộ, đặc biệt bệnh viện cùng với trường trung học y tế đã nhận đào tạo và thực tập cho 106 học viên là y sỹ về chương trình YHDT đạt yêu cầu.

6- Công tác xây dựng:

 Cơ sở ban  đầu của bệnh viện là tiếp nhận 1 cơ sở cô nhi viện tư nhân, diện tích nhỏ hẹp, chỉ được 1.500m2 kiến trúc không phù hợp với 1 bệnh viện và chỉ kê đủ 30 giường, cho khoa Nội nhi để chữa 1 số bệnh như thấp khớp, SNTK, hội chứng dạ dày, dị ứng ngứa, bệnh tiết niệu… Những năm sau bệnh viện tiếp tục xây dựng  thêm một số phòng và nhà làm việc, sản xuất thuốc và điều trị.

 - Năm 1977 xây thêm nhà mới 2 tầng cho khoa Ngoại phụ điều trị: phụ khoa, rắn cắn, trĩ,…

- Năm 1978 xây dựng phòng truyền thống, nhà làm việc của hành chính, tài vụ, y vụ, tổ chức.

- Năm 1980 xây dựng khu khám bệnh dùng cho phòng khám, cấp phát thuốc, xét nghiệm và sản xuất thuốc… từ đó mới có điều kiện tách được thành các khoa phòng, có phòng làm việc, phòng pha chế, phòng sơ chế, bào thái, sắc thuốc,… sửa chữa và làm mới thêm 1 số phòng ở cho cán bộ công nhân viên để tạo gắn bó và yên tâm công tác.

Tuy chưa được quy mô và khang trang, nhưng đã giải quyết tốt cho các phòng điều trị, phòng làm việc, phòng sản xuất, phòng khám và nhà bếp đảm bảo hoạt động cho bệnh viện 100 giường.

7- Công tác đời sống:

Lãnh đạo bệnh viện nhận thức rằng trong thi đua không chỉ đơn thuần động viên chính trị để hoàn thành nhiệm vụ, mà cần phải có sự quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên bằng tổ chức chăn nuôi, sưu tầm, sản xuất thuốc để cải thiện đời sống. Song khâu tổ chức cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên còn đang lúng túng, tổ chức sản xuất lương thực (sắn, bắp, chăn nuôi) gặp trở ngại về nhân lực và khâu phục vụ người bệnh.

8- Công tác thi đua:

Mỗi năm bệnh viện đều có kế hoạch phát động phong trào thi đua để thực hiện chỉ tiêu, tổ chức đăng ký thi đua cho từng bộ phận và cá nhân, mở hội nghị CBCNV ký kết thi đua tập thể .

- Năm 1977 được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc ngành y tế.

- Năm 1978 – 1979 tiếp tục được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc lần thứ 2.

Từ năm 1980 được bộ y tế tổ chức kiểm tra chéo cho 3 bệnh viện YHDT của các tỉnh miền Trung gồm YHDT Phú Khánh – Quảng Nam Đà Nẵng – Nghĩa Bình, bệnh viện được xếp loại tốt 6 năm liền (1980-1985).

- Năm 1981 Bệnh viện được vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý “HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG 3” do Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng.

9-Thành lập và hoạt động của Chi bộ Đảng và Đoàn thể

1/ Công tác Đảng : Ban đầu về xây dựng bệnh viện có 4 đảng viên .Thành lập Chi bộ bệnh viện tháng 4/1976 có 8 đảng viên đến năm 1985 có 24 Đảng viên (kết nạp thêm được 12 đảng viên mới).

Năm 1980, 1981, 1982 đạt danh hiệu chi bộ vững mạnh, đón nhân cờ chi bộ vững mạnh 3 năm liền , trong 10 năm (1976-1985) có 3 cờ chi bộ vững mạnh

2/ Thành lập ban chấp hành Công đoàn ngày 13/3/1976 .

Năm 1980, 1981, 1982 được bằng khen của liên hiệp công đoàn tỉnh, tổng công đoàn Việt Nam

3/ Chi đoàn Thanh niên CSHCM ban đầu có một vài đoàn viên phải sinh hoạt ghép với chi đoàn bạn, đến 1985 chi đoàn có  24 đoàn viên.


II- GIAI ĐOẠN 1986-1995

Đây là giai đoạn ổn định , đội ngũ CB ngày càng bổ sung về số lượng và chất lượng, có 61 CBCNV trong đó có 12 trình độ đại học gồm 10 bác sĩ, 1 dược sĩ và 1 đại học khác. Giường bệnh nội trú vẫn duy trì 100 giường. Bệnh viện tiếp tục duy trì hoạt động để phát triển, mặc dù  có trang bị thêm máy bao viên, máy bào dược liệu, máy dập viên để sản xuất dược, máy điện tim và siêu âm cho cận lâm sàng, nhưng cơ sở vật chất  xuống cấp dần vì vậy ảnh hưởng mọi mặt hoạt động của bệnh viện .

Lần khám bình quân đạt 68,5%  / năm so với chỉ tiêu kế hoạch được giao

Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú: 1481/năm

Ngày điều trị nội trú: 25.205/năm

Công suất sử dụng giường bệnh đạt 69,1%

 - Năm 1992 được Bộ y tế tặng bằng khen

           - Năm 1994  được UBND Tỉnh tặng bằng khen

           -Năm 1995  được UBND Tỉnh tặng bằng khen


III- GIAI ĐOẠN 1996-2005

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một bệnh viện  hạng III về YHCT tuyến tỉnh 

Giai đoạn này tiếp tục cố gắng duy trì hoạt động, cơ sở vật chất ngày càng cũ và xuống cấp trầm trọng, mặt nền nhà của bệnh viện thấp hơn mặt đường Nguyễn Huệ, nên mỗi khi đến mùa mưa bão đều phải chống ngập úng và chống dột. Giường bệnh nội trú vẫn duy trì kế hoạch 100 giường, nhưng thực kê chỉ được 65 giường, phải mở hướng điều trị nội trú ban ngày. Mãi đến năm 2001, được sự quan tâm của ngành và của tỉnh có dự án xây dựng bệnh viện trên khu đất mới tại 399 đường Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hoà, còn nơi cũ giao lại (nay được chuyển xây trường tiểu học Kim đồng và công viên đối diện).

Bệnh viện mới được khởi công xây dựng từ đầu năm 2002, mãi đến tháng 7/2005 cũng chỉ xây xong được một nửa. Mặc dù nơi mới xây chưa xong nhưng nơi cũ (6 Nguyễn Huệ) quá xuống cấp không ở tiếp được, đành phải di dời về hoạt động ở nơi mới. Bệnh viện mới vừa xây được một nửa cũng tạm hoạt động được, vừa ở vừa xây tiếp nửa còn lại, cho đến tháng 9/ 2006 hoàn tất và khánh thành. Do những khó khăn như vậy, nhưng nhờ sự quan tâm của cấp trên và có cơ sở mới , CBCNV rất phấn khởi , đoàn kết vượt khó nên hoạt động khá lên. Từ năm 2003 trở đi đạt nhiều thành tích đáng kể.

Lần khám bình quân đạt 89,4%  trong năm so với chỉ tiêu kế hoạch 

Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú: 1.690/năm

Công suất sử dụng giường bệnh 105% 

Từ năm 2003, triển khai đủ các mặt hoạt động, xây dựng phác đồ điều trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường chỉ đạo tuyến dưới , đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.       

- Năm 1997 được Bộ y tế tặng bằng khen

  - Năm 1998 được Bộ y tế tặng bằng khen

  - Năm 2003 đạt Bệnh viện xuất sắc và được UBND Tỉnh tặng bằng khen 

          - Năm 2004 đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện và được Bộ y tế tặng bằng khen

           - Năm  2005 đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện và được Bộ Y Tế tặng bằng khen và tặng cờ thi đua 


IV- GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2006-2015

1- Từ năm 2006-2010

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của một bệnh viện  hạng III về YHCT tuyến tỉnh. 

          Duy trì 100 giường bệnh nội trú, 8 khoa phòng chức năng với 90 CBCNV, trong đó có 22 cán bộ đại học- cao đẳng trở lên, 41 trung học, 8 sơ học, 16 viên chức khác. Có Chi bộ Đảng với 26 đảng viên. Đoàn thể có công đoàn cơ sở, đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ nữ công và các hội như chi hội Cựu chiến binh, chi hội Đông y, chi hội Châm cứu, chi hội Điều dưỡng. 

Thuận lợi:

 Được sự lãnh đạo trực tiếp của Sở y tế, sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, sự chỉ đạo của Bộ y tế và các bệnh viện YHCT đầu ngành. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cấp ủy, Lãnh đạo bệnh viện và các đoàn thể. CBVC đoàn kết, nhiệt tình công tác, hăng hái hưởng ứng mọi phong trào thi đua.  

         Khó khăn:

         Về cơ sở vật chất: đã hoạt động tại bệnh viện mới, đến tháng 9/2006 bệnh viện được xây dựng xong, thực kê đủ 100 giường bệnh, nhưng đa số trang thiết bị đến năm 2008 mới tiếp tục được trang bị. Kinh phí hoạt động định mức cho mỗi giường bệnh thấp. Nguồn thu từ BHYT và viện phí rất ít. Biên chế nhân sự của bệnh viện cũng thấp. Kể cả hợp đồng là 0,88 người/giường bệnh (bao gồm cả nhân viên khoa khám bệnh)

Những kết quả đạt được:

1- Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nhà nước:

Trong 5 năm qua, Bệnh viện đã liên tục thực hiện đạt và vượt mọi chỉ tiêu Nhà nước giao:

Lần khám: 103%

Ngày điều trị ngoại trú: 20.200 đạt 110%

Ngày điều trị nội trú : 44866 ngày

Tỷ lệ sử dụng giường bệnh : 123%

Tiêu bản xét nghiệm: 163,4%

Điện tim: 232%

Siêu âm: 253%

Xquang: 268%

Sử dụng đông dược 90%

Tỷ lệ khỏi và đỡ 97%

Đã sản xuất được 15 chế phẩm cao đơn hoàn tán và sắc thuốc thang đủ phục vụ bệnh nhân nội ngoại trú. Tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa và sử dụng trang thiết bị,  phục vụ bệnh nhân chu đáo. Thu chi đúng nguyên tắc, thanh quyết toán đúng và kịp thời nên hằng năm không để xảy ra sai sót khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

 Trong 5 năm đã phục vụ 104.815 xuất ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp chế độ ăn bệnh lý. Thường xuyên cải tiến chế độ ăn cho bệnh nhân.

          2/Công tác bồi dưỡng, đào tạo:

- Tham gia giảng dạy YHCT cho học sinh trường Trung cấp Y Tế Phú Yên,   hướng dẫn 72 tiết thực hành cho 04 lớp dược tá , giảng dạy cho 2 lớp y sĩ chuyên khoa YHCT khóa 1 và 2 . Kết quả đều đạt chất lượng tốt. 

- Cử cán bộ lên tuyến trên đào tạo 3 bác sỹ học CKI, 1 BS học cao học, 04 y sỹ học chuyên tu bác sỹ, 01 học cử nhân VLTL, 3 học cử nhân điều dưỡng và 1 học đại học dược, 1 học sử dụng thiết bị mới điều trị trĩ và chẩn đoán hình ảnh , 01 học chính trị cao cấp, 02 học ngoại ngữ chương trình 422. Bồi dưỡng chuyên môn cho điều dưỡng tại bệnh viện mỗi năm 20 tiết và tuyển chọn 2 điều dưỡng của bệnh viện thi điều dưỡng giỏi cấp ngành. 

            3/ Nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến

Trong 5 năm qua đã có 34 đề tài cấp cơ sở, 2 đề tài cấp ngành và 6 sáng kiến cải tiến đạt chất lượng tốt. Hằng năm đều tổ chức hội nghị khoa học y học cổ truyền. Bệnh viện còn làm 3 chương trình khoa học và đời sống đưa lên đài truyền hình để tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng, chữa bệnh bằng YHCT cho nhân dân áp dụng.      

  4/Công tác xây dựng Đảng, Chính quyền, Đoàn thể: 

Luôn được quan tâm và hoạt động có hiệu quả. Chi bộ có 26 đảng viên luôn sinh hoạt đúng định kỳ, ra nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tiển của bệnh viện, Chi bộ bệnh viện đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”. Các tổ chức đoàn thể đều hoạt động tốt và hằng năm các đoàn thể đều đạt danh hiệu vững mạnh. Được Liên đoàn Lao động tỉnh và Tổng công đoàn Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc. Chính quyền và công đoàn hết sức quan tâm đời sống vật chất cho CBVC, mở các dịch vụ đời sống chính đáng để tăng thêm thu nhập, bình quân mỗi người 700.000 đồng/tháng.    

   5-/ Các mặt công tác khác:

           - Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT : duy trì tốt. Hằng năm đều tổ chức thi sáng tác và đọc thơ nhân ngày thơ Việt nam, tổ chức hội diễn văn nghệ và hội thao nhân các ngày lễ trong năm. 

- Phong trào hoạt động xã hội: Bệnh viện đã vận động CB-VC đóng góp kinh phí cho các phong trào cứu trợ xã hội được: 31.278.000 đồng . Hằng năm đều tổ chức tết trồng cây, vườn thuốc mẫu và duy trì việc chăm sóc xanh, đẹp.

         6/ Thành tích thi đua từ năm 2006 đến 2010:

          - Năm 2006 : Đạt Bệnh viện xuất sắc toàn diện và được Chính phủ tặng bằng khen .

          - Năm 2007 : Đạt Bệnh viện xuất sắc toàn diện, được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III

          - Năm 2008 : Đạt Bệnh viện xuất sắc toàn diện 

          - Năm 2009 : Đạt Bệnh viện xuất sắc toàn diện, được UBND tỉnh tặng cờ thi đua

2- Từ năm 2011-2015

Bệnh viện thành lập thêm phòng Điều dưỡng và khoa Cận Lâm sàng, số khoa phòng của bệnh viện tăng lên ; 04 phòng chức năng ( Phòng Tổ chức Hành chính, Tài chính kế toán, Kế hoạch Tổng hợp và phòng diều dưỡng ) và 06 khoa chuyên môn ( Khoa Khám bệnh, khoa Nội, khoa Vật lý Trị liệu, khoa Phụ trĩ, khoa Dược và khoa Cận lâm sàng). Tổng số CBCNV là 104 người, Ban giám đốc có giám đốc và 01 phó giám đốc; các trưởng phó khoa phòng, điều dưỡng trưởng khoa là 18 đ/c. 

Bệnh viện có các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn cơ sở, Đoàn TNCSHCM, Chi hội Cựu chiến binh, chi hội Điều dưỡng, chi hội Châm cứu, chi hội Đông y…

          Chi bộ bệnh viện YHCT tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ  XV ngày 26 tháng 5 năm 2010. Tại thời điểm đại hội có 26 đảng viên (nữ có 14 đ/c). Chi ủy gồm có 05 đồng chí, trong đó có: bí thư, 1 phó bí thư  và 3 cấp uỷ viên. Làm tốt công tác phát triển Đảng, trong 4 năm đã kết nạp thêm 10 đảng viên. Chi bộ phát triển mạnh đủ điều kiện để thành lập Đảng bộ.

Ngày 02 tháng 12 năm 2013, Đảng bộ Bệnh viện YHCT được thành lập theo quyết định số 301-QĐ/ĐUK của Đảng Ủy Khối Các Cơ quan Tỉnh; Ban chấp hành Đảng bộ bệnh viện gồm có 07 đồng chí.

Đến nay, tổng số Đảng viên của đảng bộ là 36 đồng chí (nữ có 23 đ/c).

  Đảng bộ có 03 chi bộ trực thuộc gồm: Chi bộ Liên phòng (có 13 đảng viên), Chi bộ Liên khoa (có 15 đảng viên), Chi bộ TCHC- Dược (có 08 đảng viên).

 Bệnh viện tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ của một bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh. Quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Quản lý nhân lực, cơ sở vật chất của bệnh viện theo quy định. Bệnh viện tiếp tục thực hiện khoán một phần kinh phí theo nghị định  43/ 2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

 2.1.Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

    Các chỉ tiêu kế hoạch trên giao đã thực hiện  như sau: 

           Từ năm 2010 đến năm 2012, hàng năm số lần khám bệnh đạt trên 150%, Số BN điều trị nội trú đạt trên 130%, công suất sử dụng giường bệnh trên 120%, cận lâm sàng  ( tiêu bản xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang) trên 140%.

Từ năm 2013, bệnh viện được nâng chỉ tiêu kế hoạch từ 100 giường nội trú lên 130 giường, công suất sử dụng giường bệnh năm 2013 là 92% và năm 2014 là 104% tiếp tục vượt chỉ tiêu, 9 tháng đầu năm 2015 công suất sử dụng giường bệnh là 110%, hiện nay bệnh viện thường quá tải, mặc dù kế hoạch 130 giường bệnh, nhưng phải thực kê lên 180 giường nội trú và tăng cường điều trị ngoại trú để phục vụ bệnh nhân. Số lần khám bệnh đều vượt chỉ tiêu (trên 150%), cận lâm sàng ( tiêu bản xét nghiệm, siêu âm, điện tim, chụp X-quang) đều đạt và vượt trên 140%. Bệnh viện tự bào chế sản xuất được 20 chế phẩm các dạng, tỷ lệ sử dụng thuốc đông dược trên 85%. 

Các thủ thuật được duy trì điều trị có hiệu quả là Hào châm, Cứu, ôn châm, Thủy châm, Điện châm,  Laser châm, Xoa bóp, bấm huyệt, Dưỡng sinh, Chiếu hồng ngoại, Sóng ngắn, Laser nội mạch, Thắt búi trĩ, Cắt trĩ bằng sóng cao tầng, Tập PHCN, Kéo giãn cột sống, Siêu âm điều trị. Ngoài ra còn phát triển thêm các loại thủ thuật như Chôn chỉ (Cấy chỉ catgut vào huyệt),  ngâm thuốc,  nhĩ châm, Mãng châm, Bó parafin, Điện xung.

Số đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kỹ thuật được tiến hành hàng năm trên 15 đề tài (so chỉ tiêu là 10 đề tài). Có 01 đề tài cấp tỉnh nghiệm thu năm 2012, có 2 giải pháp dự thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh (01 đạt giải nhất và 01 giải khuyến khích), trong đó giải nhất dự thi toàn quốc đạt khuyến khích. Có 2 cá nhân được khen thưởng bằng lao động sáng tạo của tổng LĐLĐ Việt nam. Mỗi tháng có báo cáo chuyên đề, bình bệnh án …Hàng năm bệnh viện đều tổ chức Hội thảo khoa học và thi tay nghề chuyên môn.

Từ năm 2013, bệnh viện triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y Tế ban hành và thực hiện có kết quả tiến bộ hơn.  

  Chất lượng khám bệnh và điều trị được củng cố và nâng cao. Tỷ lệ điều trị bệnh nhân khỏi, đỡ hàng năm đều đạt trên 97%. Nhiều  bệnh mãn tính, bệnh lão khoa, các bệnh về di chứng liệt, bệnh trĩ .... được bệnh  viện chữa khỏi với tỷ lệ cao. 

Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng trong khi đội ngũ bác sĩ của bệnh viện chưa đáp ứng với nhu cầu, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, CBVC bệnh viện đã tận tình phục vụ bệnh nhân, không gây phiền hà cho người bệnh; thực hiện tốt các quy định của ngành nhất là thực hiện 12 điều y đức, quy tắc ứng xử và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Bệnh viện đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. CBVC trong bệnh viện đã thực hiện tốt, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công việc; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công việc. Gắn liền việc thực hiện nhiệm vụ được giao với phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của bệnh viện.

Công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước trong các năm từ 2011 đến năm 2015 được đẩy mạnh. Cán bộ, viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bệnh viện thực hiện tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua khen thưởng. Phong trào thi đua yêu nước đã tác động tích cực đến cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao chất lượng chuyên môn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Hàng năm, CBVC bệnh viện đều được đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên, 100% đạt Lao động tiên tiến, có 15% chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Tập thể các khoa phòng trên 90% đạt tập thể Lao động xuất sắc.

Hàng năm bệnh viện đều đạt Tập thể Lao động xuất sắc, bệnh viện được khen thưởng: 2 cờ thi đua xuất sắc của UBND Tỉnh, 1 Bằng khen của Bộ y tế, 1 Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, và được Chủ Tịch Nước phong tặng Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2014). 

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai đồng bộ, rộng rãi, có nhiều hình thức linh hoạt; công khai minh bạch cho CBVC các chế độ của Nhà nước; kế hoạch công tác; kinh phí hoạt động của bệnh viện; tổ chức cho CBVC và bệnh nhân góp ý; thành lập đường dây điện thoại nóng của lãnh đạo để thu thập và xử lý kịp thời các ý kiến của nhân dân. Nhờ vậy phát huy được sự đoàn kết nhất trí trong bệnh viện. 

Xây dựng bệnh viện đạt cơ quan văn hóa (từ 2010 đến 2014). Hàng năm, bệnh viện được công nhận đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh trật tự ” và được Công an tỉnh tặng giấy khen. Năm 2013 bệnh viện được UBND tỉnh tặng bằng khen về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

  Triển khai thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ”. Với những thành tích đạt được, Đảng bộ và đảng viên, CBVC bệnh viện đã được Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Phú Yên khen thưởng cho Đảng bộ bệnh viện và 01 đảng viên có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bệnh viện rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, chính trị … cho CBVC. Trong 5 năm qua đã đào tạo, bồi dưỡng được: 01 thạc sĩ, 07 bác sĩ chuyên khoa I, 05 bác sĩ, 01dược sĩ đại học, 01 cử nhân VLTL, 03 cử nhân điều dưỡng,  01 cao  cao đẳng dược, 01 trung cấp chính trị. Cử 06 cán bộ học chương trình quản lý bệnh viện, cử 09 cán bộ học bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh cho các đối tượng.

Hiện đang có  01 CB học cao cấp chính trị, 02 CB học trung cấp chính trị, 01 bác sĩ học chuyên khoa II, 01 bác sĩ học chuyên khoa I, 01 bác sĩ học thạc sĩ, 01 dược sĩ đại học học chuyên khoa I, 03 y sỹ học chuyên tu bác sĩ, 01 DSTH học dược đại học, 01 kỹ thuật viên học cử nhân xét nghiệm, 01 ĐDTH học cử nhân ĐD. 

Các tổ chức đoàn thể thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình. Cải tiến nội dung sinh hoạt phù hợp theo từng thời kỳ. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, hội viên. Tiếp tục nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CBVC. Đảm bảo hoạt động Hội Cựu chiến binh theo điều lệ, phát huy vai trò xung kích của bộ đội cụ Hồ. Xây dựng đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh, phát huy trí tuệ và vai trò của tuổi trẻ. Phát huy năng lực chuyên môn của các chi hội Điều dưỡng, hội Đông y, Châm cứu nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của bệnh viện. Các phong trào thi đua của chính quyền và đoàn thể đều có sự phối hợp và mang lại hiệu quả thiết thực.

 Công tác xã hội được cấp uỷ, lãnh đạo bệnh viện và các đoàn thể quan tâm. Trong giai đoạn 2011-2015 Bệnh viện đã vận động CB-VC ủng hộ các quỹ từ thiện, cứu trợ xã hội với tổng số tiền là 169.389.000 đồng. Trao tặng 12 chiếc xe đạp ủng hộ học sinh hộ nghèo xã Eachrang huyện Sơn hòa theo kế hoạch số 68 của Tỉnh ủy về  "cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo". Cử bác sĩ tham gia khám sức khỏe cho công nhân ở khu công nghiệp do Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức. Đoàn viên công đoàn tham gia hiến máu nhân đạo. 


V- Những bài học qua 40 năm và định hướng phát triển 


Qua 40 năm bệnh viện hình thành, xây dựng và phát triển liên tục, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp và nhất là sự chỉ đạo trực tiếp của sở Y Tế Phú Yên, sự hỗ trợ của các ban ngành, sự ủng hộ của các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh, bệnh viện YHCT ban đầu có nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và nhân lực, nhất là đội ngũ chuyên môn…nhưng đã từng bước khắc phục khó khăn để xây dựng, củng cố và phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các đoàn thể, với tinh thần trách nhiệm của toàn thể CBCNV qua các thời kỳ không ngừng nổ lực, đoàn kết thi đua, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, phấn đấu xây dựng, kiện toàn bệnh viện, nhất là xây dựng đội ngũ CBCNV về mọi mặt từ chính trị tư tưởng, quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn, thực hiện y đức, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ : “Lương y phải như từ mẫu” . Chính nhờ vậy đã lập được nhiều thành tích, nhận được nhiều bằng khen và huân chương của Nhà nước ban tặng và được bệnh nhân tin yêu khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Để củng cố và tạo đà phát triển, bệnh viện luôn quan tâm công tác bồi dưỡng đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến, cải cách hành chánh, nâng cao chất lượng chuyên môn, đầu tư trang thiết bị nhằm tăng cường công tác khám chữa bệnh, sản xuất dược. Ngoài ra, bệnh viện đã tổ chức triển khai công tác chỉ đạo tuyến dưới, giúp cho tuyến dưới kiện toàn hoạt động các tổ khoa YHCT, xây dựng xã tiên tiến về y học cổ truyền, chuẩn quốc gia y tế xã, lập vườn thuốc nam, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng hoạt động YHCT và kết hợp YHCT và YHHĐ của mạng lưới từ tuyến tỉnh đến cơ sở.

Những năm gần đây, bệnh viện đẩy mạnh mọi mặt hoạt động, CBCNV đoàn kết một lòng, khí thế thi đua sôi nổi, phục vụ người bệnh tận tình, đến nay bệnh viện YHCT Phú yên là trung tâm, cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT, kết hợp YHCT và YHHĐ có uy tín, chất lượng và hiệu quả của tỉnh ta.

Đạt được thành quả này là nhờ phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra qua các giai đoạn :

1. Bệnh viện đã lấy bệnh nhân làm trung tâm, hết lòng vì bệnh nhân mà phục vụ,  tất cả vì bệnh nhân thân yêu.

2. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, có ý thức tổ chức kỷ luật, dân chủ đoàn kết.

3. Phát huy truyền thống lao động cần cù chịu khó, khắc phục khó khăn.

4. Có tinh thần lao động sáng tạo, vượt qua thử thách

Đó là những bài học quan trọng mà các thế hệ lãnh đạo và các cán bộ tiền bối, các nhân viên qua các thời kỳ đã truyền lại cho thế hệ hôm nay.

Có thể nói hiện nay bệnh viện đang chuyển sang giai đoạn cần phát triển năng động với những thích nghi nhạy bén để đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn mới, chọn những mũi nhọn kỹ thuật để đầu tư, lấy khoa học kỹ thuật làm động lực để phát triển. 

Tuy nhiên nhìn lại chặng đường đã qua, với 40 năm là một thời gian không dài so với quá trình phát triển, bệnh viện vẫn còn phải tiếp tục phấn đấu thực hiện một số việc như sau:

- Tăng cường công tác thừa kế, nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến, bằng cách đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và lao động sáng tạo.

- Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên sâu YHCT bằng cách gửi đào tạo liên tục để tăng số lượng cán bộ trên đại học.

- Sử dụng hết công suất trang thiết bị sẵn có và trang bị thêm một số thiết bị hiện đại cả y và dược để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sản xuất đông dược.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chuyên môn, tăng cường cải cách hành chánh.

- Đẩy mạnh công tác tuyến dưới nhằm góp phần với ngành củng cố và phát triển mạng lưới YHCT trong tỉnh

- Quan hệ rộng rãi với các đơn vị trong ngành cũng như ngoài ngành có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh viện

- Nâng chỉ tiêu giường bệnh phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh, thành lập thêm các khoa phòng mới khi đủ điều kiện và bệnh viện phấn đấu xếp hạng II.

Qua 40 năm xây dựng trưởng thành và những định hướng phát triển cho những năm sắp đến, hy vọng bệnh viện YHCT Phú Yên tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa. Rất mong sự quan tâm hơn nữa của Đảng, chính quyền các cấp và nhất là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Sở Y Tế để tạo điều kiện cho bệnh viện được hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao góp phần cùng tỉnh nhà trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và từng bước xây dựng bệnh viện theo mô hình chính quy và hiện đại.

Trên nền tảng phát huy truyền thống của các bậc tiền bối, CBVC bệnh viện đang thực hiện phương châm “Trách nhiệm, tận tình, công bằng, hiệu quả” để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của bệnh viện hiện nay và thời gian sắp tới.



Nguồn tin: Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên

Tác giả: BS Lê Bá Thính

Các tin khác: